Trong các vấn đề về da liễu thì mụn trứng cá là vấn đề thường gặp nhất. Mụn trứng cá có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi, giới tính nào. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng mụn trứng cá trên da, bài viết dưới đây sẽ liệt kê chi tiết những nguyên nhân này để chúng ta biết cách hạn chế sự xuất hiện của mụn trứng cá.
Nguyên nhân chính gây nên mụn trứng cá là do tuyến nhờn tiết dầu quá mức và lượng dầu thừa này bị chặn bởi lỗ chân lông. Vi khuẩn, dầu thừa kết hợp với bụi bẩn làm bít tắc các lỗ chân lông. Nếu lỗ chân lông đóng, lượng dầu thừa này sẽ bị chặn dưới da hình thành nên mụn đầu trắng, nếu lỗ chân lông mở gặp không khí sẽ tạo nên mụn đầu đen, gây viêm và nhiễm trùng, sau đó hình thành nên mụn và nang. Ngoài nguyên nhân chính này còn có những yếu tố khác làm tăng nguy cơ xuất hiện mụn trứng cá.
Mục Lục
Mụn trứng cá do rối loạn hormon
Ở giai đoạn dậy thì, hormone testosterone gia tăng do hormon này đóng vai trò lớn trong việc kích thích sự tăng trưởng và phát triển của dương vật và tinh hoàn ở bé trai, và duy trì sức mạnh cơ bắp và xương ở bé gái. Do sự gia tăng này khiến tình trạng mụn trứng cá ở tuổi dậy thì xuất hiện bởi các tuyến bã nhờn đặc biệt nhạy cảm với hormone này… Nhiều chuyên gia cho rằng mức testosterone tăng lên khiến các tuyến sản xuất nhiều bã nhờn hơn so với bình thường, điều này tạo điều kiện cho các tế bào da chết và vi khuẩn tích tụ trong lỗ chân lông góp phần vào sự phát triển của mụn trên da.
Mụn trứng cá do di truyền
Mụn trứng cá xuất hiện cũng có nguyên nhân là do di truyền. Nếu trong một gia đình mà bố mẹ bị mụn thì khả năng con bị mụn trứng cá cũng là rất lớn.
Có nghiên cứu còn đưa ra kết luận rằng, nếu cả bố và mẹ bạn đều bị mụn trứng cá, thì nhiều khả năng bạn cũng bị mụn trứng cá nhưng ở mức nghiêm trọng hơn.
Tình trạng mụn ở phụ nữ
Phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt, giai đoạn mang thai… có nhiều khả năng bị mụn trứng cá do sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể. Cụ thể những trường hợp phụ nữ bị mụn trứng cá bao gồm:
- Chu kỳ kinh nguyệt: Do sự thay đổi thất thường của hormone vào chu kỳ kinh nguyệt, mụn trứng thường sẽ xuất hiện vào khoảng 7 – 10 ngày trước kì kinh nguyệt và thường biến mất khi cơ thể bắt đầu ra máu. Hiện tượng này rất phổ biến, ảnh hưởng đến 63% phụ nữ, chủ yếu là những người có làn da dễ bị mụn.
- Mang thai: Mụn trứng cá khi mang thai là hiện tượng khá phổ biến. Nguyên nhân vẫn là do da của thai phụ tiết ra dầu khiến mụn xuất hiện. Tình trạng này sẽ xảy ra trong khoảng 3 tháng đầu thai kỳ.
- Hội chứng buồng trứng đa nang: Hội chứng này làm cơ thể sản xuất quá nhiều hormone nam androgen. Androgen làm các tuyến mồ hôi dưới da sản xuất bã nhờn quá mức. Khiến bã nhờn, tế bào chết, vi khuẩn và bụi bẩn tích tụ bên trong các lỗ chân lông dẫn đến viêm và hình thành mụn trứng cá.
Một số yếu tố bên ngoài khác gây nên mụn
Một số yếu tố khác gây ra tình trạng mụn trứng cá bao gồm:
- Do mỹ phẩm: Có đến 30% số người dùng mỹ phẩm bị mụn trên da mặt. Mụn do dùng mỹ phẩm thường do tắc nghẽn cơ học có liên quan đến kem nền pha dầu; kem nền không nước hoặc các sản phẩm bôi giữ ẩm có chứa glycerin, petrolatum, lanolin, AHAs, urea.
- Một số loại thuốc: Một số thuốc điều trị trầm cảm như steroid, lithium và thuốc điều trị bệnh động kinh.
- Da tiếp xúc hoặc bị đè mạnh bởi các vật dụng như: điện thoại di động, mũ bảo hiểm, vòng đai chặt hoặc ba lô.
- Căng thẳng: Căng thẳng không gây ra mụn trứng cá, nhưng nếu khi đã bị mụn trứng cá, căng thẳng sẽ khiến tình trạng mụn nặng hơn
Hiện nay vẫn còn khá nhiều lầm tưởng về những nguyên nhân gây ra mụn trứng cá như ăn nhiều các thực phẩm như chocolate hoặc khoai tây chiên sẽ gây ra mụn.
Vì vậy, việc hiểu và phân biệt được các nguyên nhân gây ra mụn trứng cá sẽ góp phần vào việc tìm được đúng biện pháp chăm sóc, điều trị và ngăn chặn mụn. Tuy nhiên, nếu sau một thời gian chăm sóc làm sạch da mụn đúng cách mà mụn vẫn không hết hoặc tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn, thì chúng ta cần tìm đến các bệnh viện, phòng khám da liễu để được khám và điều trị kịp thời.
Các bài viết trên website bacsidalieu chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Discussion about this post