Mục Lục
Tăng sắc tố da là gì?
Định nghĩa
Tăng sắc tố (Tiếng Anh: Hyperpigmentation) là sự gia tăng sắc tố ở các vị trí khác nhau trên da, tạo thành những mảng hoặc đối da tối màu so với các vùng xung quanh. Bản chất của tăng sắc tố da là do tăng sản xuất melanin từ các tế bào melanocytes. Tăng sắc tố sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Đây là một tình trạng xảy ra khá phổ biến và thường không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, tình trạng này gây mất thẩm mỹ và thường xuyên xảy ra, có thể bị đi bị lại trong suốt quá trình làn da tiếp xúc với môi trường ánh sáng hoặc rối loạn nội tiết tố. Đây cũng là chủ đề được quan tâm nhiều nhất đối với phụ nữ Việt Nam
Cơ chế của tăng sắc tố da
Sắc tố da được quy định chủ yếu bởi melanin – yếu tố quyết định chính của da, tóc và màu mắt của chúng ta. Melanin được sản xuất trong các melanosome bởi các tế bào hắc tố từ một quá trình phức tạp được gọi là quá trình hình thành hắc tố. Tế bào hắc tố tương tác với các hệ thống nội tiết, miễn dịch, viêm và thần kinh trung ương, và hoạt động của chúng cũng được điều chỉnh bởi các yếu tố bên ngoài như bức xạ tia cực tím và thuốc.
Tăng sắc tố thượng bì là một đáp ứng của hệ thống sắc tố khi da bị tổn thương do yếu tố bên ngoài, đặc biệt là hàng rào bảo vệ da chịu xâm lấn bởi sự lột tẩy, hóa chất bào mòn, ánh sáng UV (UVA + UVB). Lúc này các tế bào melanocyte sẽ tăng cường hoạt động sản xuất melanin để bảo vệ da, dẫn đến tình trạng tăng sắc tố bề mặt như nổi nhiều tàn nhang, sạm da, nám mảng.
Quá trình viêm gây phá vỡ lớp Tế bào đáy ở thượng bì dẫn đến giải phóng melanin vào trung bì nhú. Đại thực bào ở trung bì nhú sẽ thực hiện vai trò “ thực bào” là bao vây và nuốt các hạt sắc tố vào bên trong tế bào của nó, dẫn đến việc tích trữ melanin ở trung bì; hình thành các thể nám sâu. Melanin có thể tồn tại ở trong đại thực bào ở trung bì trong nhiều năm.
Tăng sắc tố được chia làm 2 loại chính:
*PIE (Post Inflammatory Erythema): hồng ban sau viêm là thuật ngữ được đưa vào y văn da liễu lần đầu tiên vào năm 2013 bởi bác sĩ Bae-Harboe và cộng sự. Từ erythema – ban đỏ, do các mạch máu hoạt động mạnh để tạo con đường xuyên mạch cho các tế bào miễn dịch đi đến chỗ tổn thương trong quá trình lành thương sau viêm. Quá trình này cũng kích thích tăng sinh mạch máu; tăng lượng tế bào hồng cầu có chứa huyết sắc tố khiến vùng da chứa nhiều mạch máu đang hình thành có màu đỏ.
==> Đây chỉ là một TÌNH TRẠNG TĂNG SẮC TỐ TẠM THỜI KHI CHƯA LÀNH DA
*PIH (Post InflammatoryHyperpigmentation): tăng sắc tố sau viêm (PIH) là một rối loạn mắc phải phổ biến xảy ra sau khi bị viêm hoặc chấn thương da. Các tổn thương có thể kể đến như mụn trứng cá, viêm da dị ứng và chốc lở. Ngoài ra còn có dị ứng, chấn thương, do thuốc… PIH có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi ở mọi loại da nhưng phổ biến hơn ở loại da Fitzpatrick III-VI. Da càng sẫm màu thì chứng tăng sắc tố da càng có xu hướng dữ dội và dai dẳng. Không có sự khác biệt về giới tính. Tỷ lệ PIH ở những bệnh nhân da sẫm màu bị mụn trứng cá có thể lên tới 65%
==> Đây có thể là một TÌNH TRẠNG TẠM THỜI hoặc VĨNH VIỄN SAU TỔN THƯƠNG
Nguyên nhân tăng sắc tố da
*Nguyên nhân nội sinh: viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc, vảy nến, lichen phẳng; mụn trứng cá hoặc mụn bọc mủ; rối loạn nội tiết tố (estrogen) trong quá trình mang thai hoặc sử dụng các liệu pháp tránh thai gây ra sự giải phóng hormone kích thích tế bào hắc tố (MSH), kích thích tyrosinase – một lý do giải thích cho việc phần lớn các trường hợp nám được nhìn thấy ở nữ giới so với nam giới.
*Nguyên nhân Ngoại sinh: chấn thương, bỏng, điều trị tia xạ không ion hóa, tổn thương ánh sáng (bỏng nắng), lột da bằng acid mạnh như TCA, phenol; laser, một số thuốc như Bleomycin, kháng sinh nhóm Cyclin…
Các phương pháp điều trị tăng sắc tố da phổ biến
- Bôi ngoài da với các sản phẩm Serum, Kem dưỡng sáng da
Những sản phẩm này hoạt động bằng cách làm chậm quá trình sản xuất melanin và loại bỏ melanin đang tồn tại trên da. Để loại bỏ tăng sắc tố với phương pháp bôi ngoài da, cần tìm các sản phẩm có sự kết hợp các thành phần: 4- n- butylresorcinol, Tranexamic Acid, vitamin C; Niacinamide; cysteamine, hydroquinone, sữa đậu nành, dưa chuột, kojic acid, calcium, azelaic acid, hoặc arbutin. Kem bôi có chứa Retin-A hoặc nhóm AHA.
Laser và liệu pháp ánh sáng xung cường độ cao (IPL)
Laser có khả năng phá bỏ sắc tố có chọn lọc bằng hiện tượng quang nhiệt, các bước sóng khác nhau được phối hợp để phân giải melanin từ thượng bì tới trung bì, là phương pháp được nhiều bác sĩ ưa chuộng. Với Laser IPL, ánh sáng này nhằm vào các đốm sậm màu được chọn. Thiết bị IPL được sử dụng dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa.
Peel da
Peel da bao gồm các hóa chất lột da như BHA (axit salicylic); AHA; kết hợp Retinol hoặc vật lý (siêu mài mòn; vi tảo; phi kim..) hoặc sinh học (enzyme, vi kim; thảo dược) để loại bỏ các vùng da sạm màu. Phương pháp Peel da được sử dụng khi thuốc bôi ngoài da chỉ có tác dụng chậm.
Uống trắng sáng
Điều trị qua đường uống là một biện pháp hỗ trợ quá trình làm nhạt màu da từ trong cơ chế chuyển hóa Melanin từ bên trong, dưới sự tác động của các chất chống oxy hóa mạnh như Glutathione, L-Cysteine; Vitamin C; Vitamin E; …
Ngăn ngừa tăng sắc tố da bằng cách nào?
- Hạn chế tiếp xúc với tia UV
Tiếp xúc với tia UV là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tăng sắc tố da từ bên ngoài. Mặc dù không có tác dụng điều trị chứng tăng sắc tố da đang có, nhưng việc hạn chế tiếp xúc với tia UV có thể giúp ngăn ngừa da sạm hơn. Luôn thoa kem chống nắng. Đội mũ và mặc áo dài tay khi ở dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Hạn chế thời gian ra ngoài trời và không tắm nắng.
- Cân nhắc về các loại thuốc đang dùng liên quan đến nội tiết.
Trong nhiều trường hợp, bạn không thể ngừng uống thuốc chỉ vì thuốc gây tăng sắc tố da. Tăng sắc tố da là tác dụng phụ phổ biến của thuốc tránh thai và các loại thuốc khác có chứa hoóc môn. Nếu có thể đổi thuốc mới hoặc ngừng uống thuốc, bạn hãy cân nhắc điều này. Luôn trao đổi với bác sĩ trước khi ngừng uống bất cứ loại thuốc nào được kê toa.
- Hạn chế tối đa phản ứng viêm da và các kỹ thuật xâm lấn gây lột tẩy và bào mòn da.
- Chăm sóc hoàn hảo Hàng rào bảo vệ da
Giảng viên Nguyễn Thị Tuyết Nhung – trường CĐ Công nghệ Y Dược Việt Nam. Giảng viên Nguyễn Thị Tuyết Nhung là chuyên gia Da liễu –Thẩm mỹ cao cấp đã có thời gian tu nghiệp tại Đức và hơn 10 năm kinh nghiệm ở vị trí Giám đốc Chuyên môn trong lĩnh vực dược mỹ phẩm.
© Bản quyền nội dung thuộc về website bsdalieu.vn
Mọi thông tin sao chép từ website này đều phải ghi rõ nguồn https://bsdalieu.vn/
Discussion about this post