Mụn trứng cá (hay còn được gọi là mụn) là một vấn đề về da có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt thường gặp ở lứa tuổi dậy thì. Mụn trứng cá xuất hiện với nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau như mụn đầu đen, mụn đầu trắng cho tới mụn bọc, mụn viêm, mụn mủ. Điều trị mụn nói dễ thì không dễ mà khó thì cũng không khó. Vấn đề chính là chúng ta cần xác định được loại mụn từ đó có phương pháp điều trị tương ứng. Bài viết sau đây sẽ chia sẻ một số thông tin tổng quan về mụn trứng cá.
Mục Lục
I/ Mụn trứng cá là gì?
Mụn được xếp vào một loại rối loạn sinh lý hoặc bệnh lý, phát sinh từ sự rối loạn chức năng của các hormone và hoạt động thái quá của các tuyến bài tiết dưới da; từ đó hình thành nên những tổn thương trên da và biểu hiện bằng một khối u nhỏ trên bề mặt da, có thể kèm theo viêm làm đau, đỏ hay sưng.
Phân loại nhóm mụn phổ biến
- Nhóm không viêm: chỉ gồm các mụn tắc nghẽn lành tính như mụn cám, mụn đầu đen, đầu trắng, mụn bã, mụn chỉ; mụn thịt
- Nhóm viêm sinh lý phổ biến: bao gồm Mụn trứng cá tuổi dậy thì, mụn sẩn; mụn viêm tuổi trưởng thành, viêm nang lông…
- Nhóm viêm bệnh lý: bao gồm các Mụn trứng cá bị bội nhiễm thêm nhiều vi sinh vật gây bệnh khác như Nấm; Liên cầu; Tụ cầu; Virus (Herpes, HPV…) gây ra dạng bọc mủ, mụn nước; chảy nước vàng…
Những vị trí như mặt, lưng, vai và ngực là nơi mụn trứng cá thường xuất hiện. Mụn có thể chỉ là vài nốt nhỏ cộm lên không đau (tình trạng nhẹ), có sưng tấy đỏ (tình trạng trung bình), nhưng cũng có thể rất đau và nghiêm trọng đến mức có bọc mủ.
II/ Các loại mụn trứng cá thường gặp
1. Mụn đầu đen
Mụn đầu đen thường xuất hiện ở khu vực mũi và cạnh hai bên cánh mũi. Mụn đầu đen thường bị mọi người nhầm lẫn với sợi bã nhờn nhưng thực chất mụn đầu đen và sợi bã nhờn hoàn toàn khác nhau.
Mụn đầu đen là những mụn trứng cá xuất hiện do da có nhiều tế bào da chết và dầu thừa gây bít tắc lỗ chân lông. Khi các nốt mụn trong lỗ chân lông tiếp xúc với không khí sẽ bị oxy hóa và nhân mụn chuyển sang màu đen sậm.
Mụn đầu đen có kích thước nhỏ khoảng 1mm và có phần nhân mụn màu đen trồi lên trên bề mặt da. Mụn đầu đen thường không gây đau nhức hoặc sưng đỏ như mụn bọc.
2. Mụn đầu trắng
Nguyên nhân hình thành mụn đầu trắng cũng tương tự như mụn đầu đen đó là do tế bào chết, vi khuẩn và dầu thừa tích tụ làm tắc lỗ chân lông. Nhưng mụn đầu trắng khác với mụn đầu đen là nó hình thành dưới bề mặt của một lỗ chân lông đóng kín nên nó dưới bề mặt da rồi đội da lên, tạo nên mụn đầu trắng và làm da sần sùi. Loại mụn này thường không gây viêm và dễ kiểm soát.
Mụn đầu trắng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng đa số đi kèm với những thay đổi nội tiết tố trong quá trình dậy thì, kinh nguyệt, mang thai, và thời kỳ mãn kinh.
3. Mụn sần
Mụn sần hay mụn sẩn thực chất là mụn trứng cá bị viêm ở thể nhẹ. Những nốt mụn bị viêm này bị sưng nổi sần lên trên bề mặt da với kích thước nhỏ li ti và có màu hồng hoặc đỏ nhưng không có nhân mụn và mủ.
Nguyên nhân gây mụn sần trên mặt thường là do da nhạy cảm bị kích ứng khi gặp các yếu tố kích thích như môi trường, thời tiết, thức ăn, thuốc, hóa chất, mỹ phẩm hay do da bị chà xát. Việc nặn hoặc bóp mụn có thể khiến tình trạng viêm mụn trở nên nặng hơn và dẫn đến sẹo.
4. Mụn bọc
Mụn bọc còn gọi là mụn bọc mủ là kết quả của quá trình bề mặt da bị viêm nhiễm. Bã nhờn, phấn trang điểm còn sót lại trên da, bụi bẩn tích tụ… là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn Propionibacterium acnes phát khiến, tấn công làn da và hình thành mụn bọc.
Mụn bọc dưới da dễ bị nhầm lẫn với mụn dầu trắng. Tuy nhiên, mụn bọc có biểu hiện nặng hơn do khu vực lỗ chân lông bị mụn viêm nhiễm nặng, hình thành ổ khuẩn sâu. Mụn bọc có biểu hiện là nốt mụn sưng đỏ, xung quanh mụn cứng, vùng nhân mụn có dịch màu vàng hoặc trắng, mủ. Mụn bọc dễ bị tổn thương. Khi vô tình chạm tay vào hoặc nặn mụn sai cách có thể khiến mụn bị vỡ ra, gây viêm nhiễm các khu vực lân cận. Không chỉ vậy, khi chạm vào mụn thường rất đau đớn, nếu mụn vỡ dễ để lại vết thâm tồn tại lâu dài.
5. Mụn mủ
Mụn mủ là một dạng mụn viêm có kích thước lớn hơn nhiều so với mụn đầu đen. Mụn mủ có đầu mụn màu trắng bao quanh và vùng sưng đỏ. Các vết sưng thường chứa đầy mủ trắng hoặc vàng. Bạn nên tránh chọc thủng hoặc bóp mụn mủ. Điều đó có thể gây ra sẹo hoặc đốm đen phát triển trên da làm tình trạng viêm trở nên nặng hơn.
Thông thường mụn mủ hay xuất hiện nhiều ở những vị trí trên mặt như cằm, trán, hai bên cánh mũi hoặc cũng có trường hợp là nổi lên khắp mặt.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến xuất hiện mụn mủ trên da, nhưng phần lớn nguyên nhân đều là do sự tắc nghẽn miệng ống bài tiết chất nhờn và cùng với đó là chế độ vệ sinh không sạch sẽ dẫn đến nhiễm trùng các nang lông bên trong
III. Những ai dễ bị mụn trứng cá?
Mụn trứng cá là bệnh phổ biến ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở trẻ vị thành niên và giảm dần theo độ tuổi. Tuy nhiên đôi khi người lớn, đặc biệt là phụ nữ, vẫn có thể bị mụn. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ.
Nếu thấy mụn xuất hiện nhiều và có mủ không giống với mụn do ăn cay nóng hay do thay đổi nội tiết thì cần đến chuyên khoa da liễu để được thăm khám và có hướng điều trị đúng. Tránh trường hợp tự nặn mụn hoặc bôi những sản phẩm trị mụn trôi nổi, không rõ nguồn gốc khiến tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn.
Cách điều trị mụn trứng cá hiệu quả
Nếu mụn ở mức độ nhẹ và số lượng ít, chúng ta có thể để mụn tự chín và hết hoặc điều trị mụn bằng các sản phẩm trị mụn phổ thông. Trong trường hợp đã thử các sản phẩm trị mụn trong vài tuần nhưng không đem lại hiệu quả, hãy đến khám ở các phòng khám hoặc bệnh viện da liễu để các bác sĩ khám và có hướng điều trị chuyên sâu để:
- Kiểm soát tình trạng mụn
- Tránh để lại sẹo hoặc tổn thương khác cho làn da của bạn do mụn gây ra
Nguyên lý hoạt động của các loại thuốc trị mụn là làm giảm da tiết dầu, tăng tốc độ luân chuyển tế bào da và chống nhiễm trùng hoặc giảm viêm. Với phần lớn các loại thuốc trị mụn kê đơn, chúng ta sẽ không thấy hiệu quả rõ rệt trong 4-8 tuần đầu sử dụng thậm chí tình trạng mụn còn trở nên nặng hơn trước khi được cải thiện tốt hơn. Với các trường hợp mụn viêm nặng có thể mất nhiều tháng hoặc nhiều năm để da hết mụn hoàn toàn.
Tùy thuộc vào tình trạng mụn, độ tuổi mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp. Thông thường các loại thuốc bôi và thuốc uống có thể được kết hợp với nhau. Phụ nữ mang thai sẽ không thể sử dụng thuốc theo đơn để trị mụn.
Một số loại thuốc được sử dụng, bao gồm:
1. Thuốc bôi
- Retinoids: Retinoids có tác dụng làm thoáng lỗ chân lông thường có trong các sản phẩm chăm sóc da như kem, gel hay kem dưỡng da. Nhưng không phải tất cả mọi người đều hợp với retinoids vì vậy để da làm quen với retinoids chúng ta nên dùng khoảng 3 lần/tuần, sau đó tăng dần tần suất lên đến khi có thể sử dụng hàng ngày.
- Kháng sinh: kháng sinh giúp tiêu diệt vi khuẩn trên da và hỗ trợ giảm tình trạng mẩn đỏ. Trong vài tháng đầu điều trị, bạn có thể sử dụng cả retinoid và kháng sinh. Thuốc kháng sinh thường được kết hợp với benzoyl peroxide để giảm nguy cơ kháng thuốc kháng sinh. Chẳng hạn như clindamycin với benzoyl peroxide (Benzaclin, Duac, Acanya) và erythromycin với benzoyl peroxide (Benzamycin).
- Axit salicylic và axit azelaic: Axit Azelaic là một axit tự nhiên được tìm thấy trong ngũ cốc như lúa mạch, lúa mì. Axit Azelaic có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm. Axit salicylic có thể điều trị các tình trạng mụn, tuy nhiên tác dụng của thuốc còn khá hạn chế.
- Dapsone (Aczone) 5% gel: được dùng để điều trị tình trạng viêm do mụn bằng cách bôi 2 lần/ngày, thuốc được chỉ định cho nhiều đối tượng đặc biệt là phụ nữ trưởng thành bị mụn. Bôi Dapsone (Aczone) 5% gel xuất hiện tác dụng phụ gây đỏ và khô da.
2. Thuốc uống
- Kháng sinh: Với các tình trạng mụn nặng, bác sĩ sẽ chỉ định bạn uống thuốc kháng sinh để kháng khuẩn và chống viêm. Kháng sinh hàng đầu dùng để điều trị mụn là thuốc kháng sinh tetracycline – chẳng hạn như minocycline hoặc doxycycline – hoặc macrolide. Bạn nên uống thuốc kháng sinh trong thời gian ngắn nhằm tránh nguy cơ kháng thuốc kháng sinh.
- Thuốc tránh thai kết hợp: Thuốc tránh thai cũng là một giải pháp điều trị mụn hiệu quả. Thành phần thuốc tránh thai có chứa estrogen và progestin. Để hiệu quả trị mụn được diễn ra nhanh chóng chúng ta cần kết hợp uống thuốc tránh thai cùng một số loại thuốc bôi. Tác dụng phụ phổ biến nhất của các loại thuốc này là tăng cân, đau ngực và buồn nôn. Một biến chứng tiềm ẩn nghiêm trọng là tăng nguy cơ đông máu.
- Thuốc chống androgen: Thuốc spironolactone (Aldactone) có thể được sử dụng cho phụ nữ và trẻ vị thành niên nếu uống thuốc kháng sinh không mang lại hiệu quả cho quá trình điều trị mụn. Thuốc có tác dụng ngăn chặn sự hoạt động quá mức của nội tiết tố androgen. Tác dụng phụ có thể bao gồm đau ngực.
- Isotretinoin: Isotretinoin (Amnesteem, Claravis, Sotret) là phương pháp cuối cùng các bác sĩ lựa chọn để trị mụn khi người bệnh không đáp ứng các loại thuốc khác. Isotretinoin gây ra các tác dụng phụ như viêm loét đại tràng, tăng nguy cơ trầm cảm và dị tật bẩm sinh nghiêm trọng. Tất cả những người uống isotretinoin đều được bác sĩ theo dõi rất cẩn thận trong suốt quá trình sử dụng để có can thiệp kịp thời khi tác dụng phụ xuất hiện.
Tham vấn y khoa: Chuyên gia da liễu Nguyễn Thị Tuyết Nhung
Các bài viết trên website bacsidalieu chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
© Bản quyền nội dung thuộc về website bsdalieu.vn
Mọi thông tin sao chép từ website này đều phải ghi rõ nguồn https://bsdalieu.vn/
Discussion about this post